Phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản có điểm gì khác nhau?
COPD là một bệnh lý thường gặp, có thể ngăn ngừa và điều trị được, đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp trường diễn và giới hạn luồng thông khí do bất thường về đường thở và/hoặc phế nang thường gây ra do tiếp xúc đáng kể với các hạt hay khí độc hại.
Hen phế quản là tình trạng viêm mạn tính đường thở kèm tăng tính phản ứng phế quản với nhiều tác nhân kích thích. Bệnh hen phế quản biểu hiện với các cơn khó thở rít tự hồi phục hay do điều trị.
Hen có thể là một yếu tố nguy cơ cho sự phát triển của giới hạn luồng không khí mạn tính và COPD. Người lớn bị hen có nguy cơ mắc COPD cao gấp 12 lần so với những người không bị hen, sau khi điều chỉnh hút thuốc lá. Sự đáp ứng quá mức của đường thở có thể tồn tại nếu không có chẩn đoán hen và đã được chứng minh là một yếu tố tiên đoán độc lập về COPD và tử vong cũng như nguy cơ suy giảm chức năng phổi ở bệnh nhân COPD nhẹ.
Kết quả đo chức năng hô hấp là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Đo chức năng hô hấp còn để theo dõi tiến triển của bệnh, kiểm tra điều trị và tiên lượng bệnh. Đo chức năng hô hấp: biểu hiện rối loạn thông khí tắc nghẽn không hồi phục sau nghiệm pháp giãn phế quản. Sau khi dùng thuốc giãn phế quản mà FEV1 < 80% so với trị số lý thuyết phối hợp với FEV1/FVC < 70% chứng tỏ có giới hạn lưu lượng khí không hoàn toàn phục hồi.